Nguyễn Hà hướng dẫn bạn cách làm email marketing trong năm 2022 hiệu quả.
- Email marketing là gì?
- Cách xây dựng danh sách email của bạn.
- Hướng dẫn một số mẹo thiết kế nội dung email marketing hấp dẫn.
- Cách viết tiêu đề email giúp tăng tỷ lệ mở.
- Gợi ý 5 nhà cung cấp dịch vụ, phần mềm email marketing tốt nhất.
Mục lục
Khái niệm email marketing
Email marketing là gì? Quảng cáo qua email marketing còn hiệu quả không?
Làm cách nào để xây dựng danh sách email?
Chia sẻ một số phương pháp thu thập danh sách khách hàng hiệu quả.
Hướng dẫn thiết kế email marketing hấp dẫn
Hướng dẫn một số cách viết nội dung email marketing hấp dẫn, thu hút.
Giải pháp tăng tỷ lệ mở
Gợi ý một số mẹo, thủ thuật giúp cải thiện tỷ lệ mở cho chiến dịch email marketing
Hướng dẫn gửi email tỷ lệ Inbox cao
Những điều cần nhớ khi gửi email marketing để tránh bị vào spam, quảng cáo.
Chọn phần mềm email marketing uy tín
5 dịch vụ, phần mềm email marketing tốt nhất hiện nay cho nhà tiếp thị Việt.
Phần 1: Email Marketing là gì?
Trong phần này, chúng ta sẽ đề cập đến những kiến thức cơ bản về email marketing:
- Khái niệm email marketing là gì?
- Lợi ích của email marketing với các doanh nghiệp.
- Tại sao nên quảng cáo bằng email marketing?
Email Marketing là gì ?
Email marketing: Là hành động gửi một thông điệp thương mại, thường đến một số lượng nhiều người qua hộp thư email. Các dạng nội dung phổ biến bao gồm giới thiệu sản phẩm dịch vụ, bản tin (newsletters), chiến dịch khuyến mại và thông báo sự kiện. Mục đích của chúng nhằm:
- Nâng cao mối quan hệ của người bán với khách hàng hiện tại hoặc trước đây.
- Khuyến khích lòng trung thành của khách hàng và kinh doanh lặp lại.
- Thu hút khách hàng mới hoặc thuyết phục khách hàng hiện tại mua hàng ngay lập tức hoặc chia sẻ, giới thiệu với bên thứ ba.
Tiếp thị qua email có thể nói là một trong những kênh lâu đời nhất – từ năm 1970. Nhưng cho đến nay, nó vẫn hoạt động và phát huy sức mạnh không thể thay thế. Cụ thể, chúng ta hãy cùng xem vai trò của email trong các chiến dịch marketing như thế nào.
Lợi ích của email marketing với các doanh nghiệp
Hiện nay, đến 80% các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sử dụng email làm kênh chính để phân phối nội dung của họ.
Dưới đây là 5 lợi ích hàng đầu mà tiếp thị qua email mang lại cho các đơn vị:
- Tiếp thị sản phẩm. Quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của bạn.
- Tìm kiếm khách hàng mới. Thu hút người dùng cung cấp thông tin để đổi lấy nội dung mà họ quan tâm.
- Xây dựng mối quan hệ và nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng. Xây dựng và nuôi dưỡng kết nối thông qua sự tương tác được cá nhân hóa. Theo thời gian, dần chuyển đổi họ thành khách hàng của doanh nghiệp.
- Quảng cáo nội dung của bạn. Sử dụng email để chia sẻ nội dung blog có liên quan hoặc nội dung hữu ích với khách hàng.
- Nâng cao nhận thức về thương hiệu. Giữ cho công ty và dịch vụ của bạn luôn ở trong tâm trí khách hàng tiềm năng, cho những thời điểm họ sẵn sàng tương tác.
Ngoài ra, còn 4 lý do khác khiến các nhà tiếp thị không thể bỏ qua công cụ này.
Tại sao nên quảng cáo bằng email marketing?
1. Email là phương tiện liên lạc phổ biến trên toàn thế giới
Năm 2022, có hơn 4 tỷ người dùng email trên toàn thế giới. Bạn cho rằng truyền thông xã hội phổ biến hơn? Đừng quên rằng, để tạo một tài khoản xã hội, bạn cần một địa chỉ email. Vì vậy nếu bạn đang tìm cách tiếp cận khách hàng, email là cầu nối lý tưởng để tìm thấy họ.
Ngoài ra, lý do tốt nhất để làm email marketing là bạn hoàn toàn sở hữu nó. Không có tổ chức bên ngoài nào có thể tác động đến cách thức, thời điểm hoặc lý do bạn liên hệ với người đăng ký của mình.
2. Email giúp bạn tiếp cận trực tiếp khách hàng
Email là phương tiện truyền tải thông tin trực quan, không giới hạn số lượng nội dung. Khi người đăng ký chọn tham gia danh sách, tức là họ đã cung cấp cho bạn kết nối trực tiếp tới hộp thư của họ. Nhưng tiếp cận qua email có hiệu quả bằng các kênh mạng xã hội?
Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy mức độ tương tác trên Facebook kém hơn so với Email. Tỷ lệ mở bản tin trung bình là 21,33%… cao hơn 20 lần so với mức tương tác bài đăng trên Facebook.
3. Mọi người muốn nhận thông tin khuyến mãi, quảng cáo qua email
Mọi người không truy cập mạng xã hội để xem quảng cáo. Trên thực tế, 45% người tiêu dùng báo cáo rằng quảng cáo trên mạng xã hội gây khó chịu (AdWeek).
86% người tiêu dùng thích nhận các thông điệp tiếp thị qua email hơn quảng cáo Facebook, quảng cáo truyền hình và quảng cáo hiển thị hình ảnh (HubSpot).
4. Tỷ lệ chuyển đổi của Email thực sự tốt
Tỷ lệ chuyển đổi ở đây chúng tôi đề cập đến việc chuyển đổi thành doanh số bán hàng. Và đây có lẽ là lý do thuyết phục nhất khiến các doanh nghiệp chọn quảng cáo qua email marketing.
Trên thực tế, khi nói đến việc biến người đăng ký thành người mua, không có gì đánh bại được email. Email chuyển đổi khách hàng tiềm năng nhiều hơn 40 lần so với Facebook và Twitter cộng lại (McKinsey).
Còn rất nhiều số liệu khác chứng minh sức mạnh của tiếp thị email. Các bạn có thể cập nhật thêm tại Thống kê email marketing cần biết cho nhà tiếp thị.
Như vậy, bạn đã nắm rõ được email marketing là gì, lợi ích cùng sức mạnh không thể phủ nhận của nó. Tiếp theo, chúng ta sẽ bắt tay vào làm email marketing theo các bước hướng dẫn dưới đây.
Bước đầu tiên của bất kỳ chiến dịch tiếp thị qua email nào chính là xây dựng data khách hàng. Một danh sách chất lượng được hình thành dựa trên hai yếu tố chính hoạt động gắn kết:
- Cung cấp “Nam châm chì” thu hút người đăng ký
- Tạo biểu mẫu chọn tham gia Opt-In hoặc cửa sổ bật lên Pop-Up.
Chúng ta cùng làm ngay thôi!
Hướng dẫn tạo "nam châm chì" để xây dựng danh sách khách hàng
“Nam châm chì” không phải chiến thuật gì phức tạp mà chỉ đơn giản như tên gọi của nó. Bạn cần một thứ gì đó thu hút khách hàng đăng ký vào danh sách email và nó phải miễn phí.
Vấn đề đặt ra ở đây: Mọi người thường cân nhắc cẩn thận trước khi chia sẻ thông tin. Do đó, bạn không thể mong đợi nhận được địa chỉ email của họ nếu không trao ra thứ gì có giá trị.
Vậy nên, hãy nghĩ tới một “nam châm chì” có liên quan, hữu ích hoặc giúp giải quyết vấn đề mà khách hàng tiềm năng đang mắc phải. Để làm được điều này, trước tiên bạn cần hiểu đối tượng khách hàng của mình.
1. Xác định và hiểu đối tượng mục tiêu của bạn
Giống như bất kỳ kênh tiếp thị nào khác, chúng ta cần tìm hiểu tính cách người mua. Hãy trả lời những câu hỏi sau để phác họa chân dung đối tượng mục tiêu của bạn:
- Đối tượng của bạn là cá nhân hay doanh nghiệp?
- Họ làm nghề gì – Sinh viên, nhân viên văn phòng, hay vị trí cấp cao?
- Dữ liệu liên quan đến công việc, ngành của họ.
- Những khó khăn, vướng mắc của đối tượng mà bạn thường xuyên gặp là gì?
- Họ mong muốn, kỳ vọng gì ở sản phẩm, dịch vụ của bạn?
- …v.v.
2. Chọn loại thông tin bạn muốn sử dụng để thu hút đăng ký
Dưới đây là một số nguyên tắc để đảm bảo bạn đang tạo ra một tài sản có giá trị và phù hợp với danh sách tiềm năng của mình.
- Cung cấp lời đề nghị mang tính thực tế hoặc là giải pháp thực tiễn để giải quyết một vấn đề.
- Nội dung cần nhất quán với lời đề nghị mà bạn cung cấp.
- Đảm bảo định dạng nội dung được tải xuống và xem dễ dàng. Cho dù đó là PDF, trang web hay video …v.v.
Nam châm chì của bạn càng hấp dẫn, sẽ càng thu hút nhiều lượt đăng ký. Dưới đây là một số loại nam châm chì bạn có thể tạo:
- Chia sẻ mẹo, thủ thuật
- Hướng dẫn cách làm
- Dùng thử miễn phí
- Đồ họa thông tin (Infographic)
- Báo cáo hoặc nghiên cứu
- Thư viện Template
- Công cụ / Tool hữu ích
Thiết kế biểu mẫu chọn tham gia Opt-In
Biểu mẫu là một trong những kênh giúp thu thập thông tin khách hàng hiệu quả nhất. Nó thường ở dạng cửa sổ bật lên với lời kêu gọi hành động (CTA) trên trang. Chúng thực sự có thể nâng cao trải nghiệm duyệt web. Đồng thời giúp thúc đẩy lượt đăng ký, mức độ tương tác và doanh thu.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn tạo một biểu mẫu chọn tham gia hấp dẫn:
1. Giới hạn số trường thông tin trong biểu mẫu
Đừng khiến khán giả của bạn quá tải thông tin. Biểu mẫu Opt-In chỉ nên bao gồm các trường quan trọng nhất đối với doanh nghiệp và mục tiêu tiếp thị của bạn. Không nên bắt buộc phải thu thập tất cả thông tin từ người đăng ký. Bởi vấn đề này liên quan đến sự bảo mật cá nhân. Nó khá nhạy cảm với nhiều người.
Các form Opt-In phổ biến thường gồm 3 trường cơ bản: Họ tên, Số điện thoại và Địa chỉ Email.
2. Giữ cho lời đề nghị rõ ràng, có giá trị và phù hợp
Trước khi điền vào biểu mẫu, mọi người đều muốn biết chính xác họ sẽ nhận được những gì. Chẳng hạn như :
- Voucher giảm giá khi mua hàng.
- Mẹo sử dụng sản phẩm hiệu quả hơn.
- Tải xuống tài liệu hướng dẫn…v.v
Mục tiêu của bạn là khiến mọi người cung cấp thông tin của họ. Do đó, hãy viết lời đề nghị rõ ràng, mang giá trị và có liên quan tới đối tượng. Đặc biệt, đừng lừa dối họ. Bất kỳ thông tin nào trên biểu mẫu cũng đều phải đảm bảo tính trung thực.
3. Thiết kế biểu mẫu Opt-In cần nhất quán với phong cách thương hiệu
4. Đảm bảo cho biểu mẫu hoạt động trên mọi thiết bị
Đối tượng của bạn tương tác với thương hiệu theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, điều quan trọng là biểu mẫu đăng ký cần hiển thị hoàn chỉnh trên mọi phương tiện truy cập. (Chẳng hạn như máy tính bảng, smartphone, máy tính để bàn…v.v.).
Đây là một trong những ấn tượng đầu tiên của khách hàng tiềm năng mới về thương hiệu. Do đó, hãy tự mình tìm hiểu trải nghiệm người dùng trước khi bạn xuất bản.
5. Tối ưu lời kêu gọi hành động CTA
Nút CTA được cho là bất động sản có giá trị nhất trên biểu mẫu. Một cách đơn giản nhưng hiệu quả để tăng tỷ lệ chuyển đổi là tránh sử dụng từ ngữ phổ thông. Chẳng hạn như từ “Download” được dùng khá phổ biến.
Hãy thử đặt mình vào vị trí người dùng, không ai muốn “phục tùng” bất cứ điều gì. Thay vào đó, bạn có thể biến sự áp đặt thành lời chia sẻ lợi ích. Và nó phải liên quan đến những gì khách hàng tiềm năng sẽ nhận được.
Ngoài ra, bạn cần thực hiện thử nghiệm A/B trong suốt quá trình. Mục đích nhằm tìm ra lời đề nghị hoạt động tốt nhất cho đối tượng của bạn.
Bây giờ đã đến lúc hướng dẫn bạn cách viết email marketing hiệu quả. Cụ thể, Nguyễn Hà sẽ chia sẻ cách tạo hai mẫu email phổ biến sau:
- Bản tin Newsletter
- Ưu đãi, khuyến mãi
Nếu bạn muốn thiết kế mẫu email thêm thu hút, hấp dẫn, phần này là dành cho bạn.
Hướng dẫn viết Newsletter - Email bản tin
Newsletter là dạng nội dung cung cấp giá trị thuần túy 100%. Nó có thể chia sẻ một số mẹo, các liên kết đến những nguồn hữu ích hoặc một câu chuyện cá nhân…v.v.
Trên thực tế, email bản tin được rất nhiều người yêu thích. Trước khi bắt tay vào viết nội dung, cần xác định lý do tại sao lại viết nó. Bởi mục tiêu của Newsletter là thu hút người đăng ký chọn tham gia và chuyển đổi họ thành khách hàng. Vì vậy bạn cần phải lưu ý điều này khi tìm nội dung cần đưa vào bản tin. Bạn cần dẫn dắt người đăng ký của mình theo một lộ trình có kế hoạch. Đừng nôn nóng!
Một số điều cần lưu ý khi chọn loại nội dung cho newsletter
Newsletter của bạn cần hoạt động như một chỉ dẫn hướng tới các sản phẩm và ưu đãi. Những nội dung trong email bản tin nên giúp người đọc vượt qua khó khăn mà họ đang vướng mắc. Lưu ý, chúng cũng cần xoay quanh (các) vấn đề mà sản phẩm của bạn khắc phục được.
Ví dụ về mẫu bản tin newsletter hàng tuần của Nguyễn Hà gửi tới khách hàng:
- Thống kê, xu hướng email marketing cập nhật hàng năm.
- Chia sẻ công cụ hữu ích
- Cách khắc phục email gửi vào mục quảng cáo hoặc spam
- …v.v.
Bố cục của mẫu email bản tin hiệu quả
Bố cục mẫu email bản tin có thể được thiết kế thành 4 phần:
- Dòng tiêu đề: Nên khợi gợi sự tò mò để thu hút người nhận mở email. Chẳng hạn như Làm cách nào…, Cách tăng 30%…., 6 nguyên nhân hàng đầu….
- Phần mở đầu: Bạn có thể đề cập thẳng vấn đề hoặc đưa ra một thứ gì đó siêu hấp dẫn.
- Nội dung: Cách trình bày bằng hình thức nhóm (list) khiến người đọc dễ hiểu và tiếp thu nhanh chóng.
- Lời gọi hành động CTA: Dù không quảng cáo gì trong nội dung nhưng không có nghĩa bạn nên bỏ qua CTA. Bạn có thể đề nghị mọi người phản hồi để được hướng dẫn hoặc cập nhật thông tin đầy đủ hơn.
Cách viết email marketing khuyến mãi có tỷ lệ mở cao
Đúng như tên gọi của nó, email khuyến mãi chứa những thông tin ưu đãi, cơ hội giảm giá…v.v. Dạng thông điệp này luôn tràn ngập trong hộp thư đến của người nhận. Do đó, sự cạnh tranh của chúng là rất lớn. Làm cách nào để tăng tỷ lệ mở cho email marketing khuyến mãi?
Gợi ý thiết kế mẫu email marketing thu hút, hấp dẫn
Chìa khóa để tạo nên sự cạnh tranh cho dạng nội dung này phụ thuộc vào 2 yếu tố chính:
- Tiêu đề email. Đây là điểm tiếp xúc đầu tiên với người nhận. Đồng thời cũng là yếu tố để họ quyết định có mở thư ra xem không.
- Hình ảnh bắt mắt. Đúng vậy! Một hình ảnh bắt mắt sẽ giúp ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng, thu hút họ đọc tất cả nội dung. Bởi vậy, hãy dành thời gian đầu tư cho phần thiết kế này. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bắt mắt không có nghĩa là phải tạo hình ảnh to lớn. Hãy thiết kế một ảnh có kích thước chiều rộng tối đa 800px (hoặc tốt nhất khoảng 650px). Nó giúp đảm bảo email của bạn hiển thị tối ưu trên mọi loại thiết bị. Sử dụng một hình ảnh lớn sẽ khiến email “quá khổ” khi xem trên điện thoại hoặc máy tính bảng. Ngoài ra, cách thiết kế này còn khiến email bạn gửi vào mục quảng cáo hoặc spam.
Xây dựng bố cục cho mẫu email marketing khuyến mãi
Bố cục mẫu email khuyến mãi về cơ bản vẫn giống dạng bản tin. Chỉ khác một điểm nó có thêm phần P/S.
- Dòng tiêu đề: Không cần phải quá độc đáo. Đơn giản luôn hiệu quả. Bạn chỉ cần để mọi người biết về chương trình của bạn. Ngoài ra, có thể thêm yếu tố “khan hiếm” để thu hút sự chú ý. Ví dụ như: Chỉ còn 1 ngày nữa sẽ kết thúc Flash Sale.
- Phần mở đầu. Chỉ cần phác thảo ưu đãi của bạn là gì. Tại sao cần quan tâm đến nó?
- Nội dung: Đây là nơi cung cấp những chi tiết chính về chương trình của bạn. Bao gồm thời gian diễn ra; Các lợi ích chính; Bất kỳ điều kiện hoặc giới hạn nào…v.v. Và lưu ý nên trình bày dưới hình thức nhóm (list).
- Lời gọi hành động CTA: Không thể thiếu trong bất kỳ email khuyến mãi nào. Bạn cần một lời gọi mạnh mẽ cho phép mọi người biết chính xác phải làm gì tiếp theo.
- P/S. Đây là một chiến thuật góp phần làm tăng chuyển đổi. Thực tế, rất nhiều người sẽ lướt qua nội dung, nhưng họ sẽ dừng lại để đọc P/S. Vì vậy, tất cả những gì cần làm ở đây là tóm tắt ưu đãi của bạn và thêm một lời gọi hành động khác.
Có lẽ đây là phần được rất nhiều nhà tiếp thị quan tâm. Bởi bất kỳ ai cũng đều muốn tìm cách tăng tỷ lệ mở email cho chiến dịch của mình. 3 yếu tố then chốt giúp Hà thu hút người nhận mở email thường sử dụng là:
- Tối ưu hiển thị email trong hộp thư khách hàng.
- Áp dụng nguyên tắc thiết kế 80:20 cho nội dung.
- Chọn thời gian gửi email phù hợp với người nhận.
Tối ưu hiển thị email trong hộp thư khách hàng
Khi ai đó quyết định có mở email hay không, họ sẽ xem xét ba điều:
- Dòng chủ đề
- Người gửi
- Đoạn nội dung xem trước. Trên thực tế, bản xem trước này giống như một dòng tiêu đề thứ hai.
Ví dụ mẫu email của ShopeeFood trên đây, bạn có thể thấy các thông điệp đều được hiển thị hoàn chỉnh, không bị cắt bớt. Người xem nhanh chóng nắm bắt được nội dung chính của bức thư. Do đó, để tối ưu hóa email của mình, nên giới hạn ký tự khi viết tên Thương hiệu, tiêu đề và phần mở đầu. Cụ thể:
- Tên người gửi (Thương hiệu): Nên giới hạn tối đa 20 ký tự, bao gồm cả khoảng trắng (dấu cách).
- Tiêu đề email và phần mở đầu: Hai đoạn nội dung này cùng kết hợp, bổ trợ cho nhau. Do đó, nếu bạn thiết kế một tiêu đề dài, thì sẽ cần rút ngắn đoạn mở đầu và ngược lại. Một tiêu đề email hiệu quả khi chứa từ 30-50 ký tự.
Nguyên tắc thiết kế email marketing 80/20
- 80% email của bạn phải cung cấp giá trị.
- 20% để quảng cáo sản phẩm và dịch vụ.
Nguyên tắc 80/20 còn áp dụng cho việc thiết kế tỷ lệ nội dung email marketing
- 80% email của bạn nên chứa văn bản.
- 20% sử dụng hình ảnh.
- Một số ứng dụng email thiết lập chặn hiển thị hình ảnh như chế độ mặc định. Điều này khiến người nhận không thể hiểu chính xác thông điệp nếu bạn đặt phần lớn nội dung vào trong ảnh.
- Sử dụng quá nhiều hình ảnh thường khiến email marketing bị chuyển vào mục quảng cáo hoặc spam. Thậm chí, thiết kế email bằng một hình ảnh duy nhất có nguy cơ cao kích hoạt bộ lọc thư rác. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến email gửi vào spam. Yếu tố này sẽ được chúng tôi chia sẻ chi tiết trong phần 5.
Chọn thời gian gửi email marketing tốt nhất
Thời gian gửi email là yếu tố quan trọng mà các nhà tiếp thị cũng nên lưu ý. Bởi, nếu email đến vào thời gian khách hàng đang truy cập hộp thư, nó có khả năng cao được mở ra đọc hơn. Ngoài ra, thời điểm gửi không hợp lý còn khiến email của bạn nằm dưới các đối thủ khác.
Để chọn thời gian gửi email tốt nhất, cần dựa trên đối tượng mục tiêu của bạn. Hãy theo dõi xem họ thường check email vào thời điểm nào trong ngày. Dưới đây là một số lời khuyên của Hà Nguyễn mà các bạn có thể tham khảo.
Nên gửi email vào ngày nào trong tuần?
Chúng ta hãy cùng phân tích các khoảng thời gian để tìm được lựa chọn phù hợp nhất. (Thời điểm được liệt kê áp dụng cho đối tượng làm văn phòng).
- Thứ 2. Đầu tuần thường là ngày rất bận rộn. Khách hàng sẽ không có thời gian quan tâm đến những lời mời chào.
- Từ thứ 3 đến thứ 5. Đa số mọi người có thói quen check mail chào hàng.
- Thứ 6 và thứ 7. Hầu hết mọi người đều hứng khởi với các kế hoạch cuối tuần như vui chơi, ăn uống nghỉ ngơi…v.v Thời điểm này khá phù hợp để nhận các email về dịch vụ ẩm thực, du lịch.
Chủ nhật: Đây là ngày nghỉ ngơi của khách hàng nên họ sẽ không mấy khi check mail.
Như vậy, Thứ Ba, Thứ Tư và Thứ Năm là thời điểm tốt nhất để gửi email. Ngoài ra, cần lưu ý vào các ngày lễ lớn, chiến dịch của bạn nên thực hiện trước đó khoảng 1 tuần.
Nên gửi email marketing vào thời gian nào trong ngày?
- 8h15 – 9h. Đây là thời gian phổ biến nhất mà người dùng thường check email để kiểm tra công việc cho một ngày mới. Tuy nhiên đây chưa phải là thời điểm tuyệt vời nhất cho email marketing. Bởi khách hàng còn bận xử lý các công việc quan trọng của họ.
- 9h – 11h. Trong khung thời gian này, hầu hết mọi người đều phải tập trung xử lý công việc của mình. Họ sẽ không muốn mất thời gian để xem các email tiếp thị.
- 11h – 12h. Khách hàng có xu hướng rảnh rỗi hơn. Những email tiếp thị có khả năng cao được tiếp nhận vào thời điểm này.
- 12h – 14h. Thời gian này khách hàng thường đọc tin tức, tạp chí và facebook hơn là check mail.
- 14h – 15h. Đây là khoảng thời gian để tập trung vào công việc, cũng như chú ý đến các email có liên quan.
- 15h – 16h. Các email về dịch vụ tài chính, bất động sản thường được mở vào thời điểm này.
- 16h – 17h30: Khách hàng sẽ thường check mail các chương trình khuyến mại, email du lịch.
- Sau 18h. Hầu hết mọi người dành thời gian riêng cho bản thân và không có xu hướng trực tuyến email.
Dựa theo phân tích trên, bạn có thể lựa chọn khung thời gian gửi email trong ngày tốt nhất cho đối tượng của mình. Tuy nhiên, hãy gửi trước đó khoảng 30 phút để email đến kịp thời điểm bạn muốn.
Khả năng gửi email – Có lẽ đây là thuật ngữ email marketing ít nhà tiếp thị biết đến. Bởi hầu hết chỉ quan tâm tới việc tìm kiếm data khách hàng và tạo tiêu đề email hấp dẫn.
Tuy nhiên, khả năng gửi email là yếu tố Hà Nguyễn quan tâm hàng đầu trong mọi chiến dịch. Bởi nếu email không vào được Inbox của người nhận thì mọi nỗ lực của bạn đều bỏ đi.
Vậy nên, hãy đặc biệt theo dõi phần này để tìm hiểu cách gửi email vào inbox của mọi người.
Có 3 yếu tố cơ bản quyết định đến khả năng gửi email vào Inbox:
- Duy trì danh sách tốt
- Xác thực địa chỉ email gửi và duy trì danh tiếng tốt
- Xem xét nội dung
Chúng ta sẽ lần lượt phân tích từng yếu tố này.
Duy trì danh sách tốt
Một danh sách email được đánh giá là tốt khi:
- Sở hữu những người đăng ký chọn tham gia Opt-In (đồng ý nhận tin).
- Tỷ lệ email bounce (email bị trả lại) dưới 5% và tỷ lệ complaint (khiếu nại) thấp hơn 0.5%.
Tại sao việc duy trì danh sách tốt lại ảnh hưởng đến khả năng email gửi vào inbox?
- Hành động mà người nhận tương tác với email được coi là cơ sở để đánh giá chất lượng data và người gửi. Các nhà cung cấp dịch vụ email và các ISP hiện nay đều rất quan tâm tới tiêu chí này để phân loại email spam với email marketing. Thường chỉ những người gửi nội dung vô giá trị, làm phiền người nhận… mới có tỷ lệ tương tác kém. Một chiến dịch có lượng tương tác càng cao thì tỷ lệ inbox càng lớn.
- Bounce và Complaint là 2 tín hiệu mạnh nhất được các ISP sử dụng để đánh giá chiến dịch email. Một danh sách kém chất lượng sẽ có lượng email bị trả lại hoặc bị khiếu nại cao
4 việc cần làm để duy trì danh sách email chất lượng:
- Sử dụng đăng ký chọn tham gia kép Opt-In
- Giám sát lưu lượng email
- Xóa thẳng tay các địa chỉ đã hủy đăng ký, bị trả lại (bounce) hoặc bị khiếu nại (complaint).
- Quản lý riêng hoặc xóa các địa chỉ email không hoạt động hoặc không có bất kỳ tương tác nào sau 90 ngày.
Xây dựng danh tiếng tốt để tăng khả năng email gửi vào inbox
Có thể coi danh tiếng email giống như điểm tín dụng. Trong thế giới này, danh tiếng được liên kết với địa chỉ IP và tên miền (domain) gửi của bạn.
Hầu hết các bộ lọc đều kiểm tra xem email có bắt nguồn từ địa chỉ IP được liệt kê trong danh sách đen không. (Kể cả khi bạn bắt đầu với một IP sạch). Nếu một email được gửi từ nguồn có danh tiếng xấu, khả năng cao nó sẽ bị hộp thư phía người nhận từ chối hoặc cách ly trong mục spam. Tìm hiểu chi tiết thêm: Danh tiếng gửi email ảnh hưởng tỷ lệ spam như thế nào.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý việc vệ sinh danh sách tốt cũng tạo nền tảng quan trọng để xây dựng danh tiếng gửi uy tín.
Xem xét nội dung - Nguyên nhân hàng đầu khiến email gửi vào mục spam, quảng cáo
Mặc dù các tín hiệu chính ngày nay là sự tương tác của người nhận, nhưng nội dung email cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Các bộ lọc khác nhau sử dụng thuật toán riêng để phát hiện thư rác. Dưới đây là 5 điều nên và không nên làm khi tạo nội dung email để tránh bị gửi vào spam:
5 KHÔNG
- Chèn nhiều hình ảnh hoặc tạo nội dung bằng duy nhất 1 hình ảnh.
- Lạm dùng nhiều các từ ngữ mang tính quảng cáo, spam như Miễn phí, Free, Click here….v.v
- Sao chép lại nội dung từ word, website, hoặc từ mạng xã hội rồi dán vào các phần mềm gửi email.
- Chèn nhiều ký tự đặc biệt hoặc số trong nội dung và tiêu đề.
- VIẾT IN HOA TẤT CẢ trên tiêu đề hoặc trong nội dung.
5 NÊN
- Cá nhân hóa và cung cấp nội dung có giá trị, phù hợp cho người nhận.
- Thực hiện nguyên tắc thiết kế 80/20. (80% văn bản - 20% hình ảnh).
- Các cụm từ mang tính quảng cáo chỉ nên xuất hiện với tần suất 1-2 lần trong nội dung.
- Xây dựng mẫu email trực tiếp trên các nền tảng email marketing hoặc thiết kế dạng html.
- Hạn chế đặt liên kết website trong nội dung.
Những kiến thức trên được chia sẻ chi tiết tại:
Ngoài ra, để trợ giúp về khả năng gửi, bạn phải luôn bao gồm địa chỉ trả lời hợp lệ và liên kết hủy đăng ký trong nội dung. Tùy chọn này cho phép người dùng nhấp vào khi họ không muốn nhận tin từ bạn nữa. Đây là một dấu hiệu quan trọng của email chất lượng cao. Đồng thời cũng thể hiện cho bộ lọc thư rác biết rằng bạn là người gửi hợp pháp.
Checklist kiến thức liên quan đến khả năng gửi email không thể bỏ qua
Trong phần này, Hà Nguyễn sẽ review 5 dịch vụ, phần mềm email marketing được dùng phổ biến tại Việt Nam hiện nay.
Rõ ràng, phần mềm gửi email tốt nhất chính là dịch vụ email marketing phù hợp nhất với bạn. Bởi sự “tốt nhất” này hoàn toàn phụ thuộc vào khối lượng gửi, mục tiêu tiếp thị và các tính năng cần thiết với bạn.
Đánh giá 5 dịch vụ, phần mềm email marketing được dùng phổ biến tại Việt Nam:
Mailchimp – Dịch vụ email marketing tốt nhất cho Bản tin Newsletter
Top Email – Phần mềm email marketing hàng đầu về dịch vụ support
GetResponse – Nền tảng tiếp thị phù hợp nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Amazon SES – Dịch vụ SMTP gửi email giá rẻ nhất, tốc độ vượt trội
Twilio Sendgrid – Nền tảng gửi email hàng loạt tốt nhất cho quy mô lớn
Mailchimp – Dịch vụ email marketing tốt nhất cho Bản tin Newsletter
MailChimp là một trong những nhà cung cấp dịch vụ email marketing được dùng khá phổ biến tại Việt Nam. Họ có trụ sở tại Hoa Kỳ và phục vụ chủ yếu cho các doanh nghiệp nhỏ. Trang web: mailchimp.com.
Hầu hết khách hàng sử dụng Mailchimp để quản lý bản tin, chạy email marketing và thiết lập trình trả lời tự động. Ví dụ như các chủ cửa hàng thương mại điện tử, doanh nghiệp kỹ thuật số, freelancers và đại lý tiếp thị.
Tham khảo thêm bài đánh giá chi tiết Mailchimp có tốt không?
Ưu điểm
- Giao diện sử dụng khá trực quan. Trình chỉnh sửa hỗ trợ kéo, thả tiện lợi.
- Gói dùng thử khá hào phóng, được gửi tới 10.000 email/tháng.
- Tích hợp với nhiều nền tảng, ứng dụng khác. Ví dụ wordpress, thương mại điện tử, truyền thông xã hội…v.v
- Cung cấp công cụ tiếp thị nâng cao dựa trên hành trình khách hàng (Workflow) trên tất cả các gói trả phí.
- Báo cáo khá cơ bản nhưng đủ những thông tin cần thiết của chiến dịch email marketing.
Hạn chế
- Quản lý danh bạ của Mailchimp vẫn rất dựa trên danh sách. Việc gắn thẻ (tag) chỉ thực hiện bên trong danh sách, không áp dụng cho các danh sách mà bạn có.
- Những người đăng ký trên nhiều danh sách được tính nhiều lần cho giá hàng tháng của bạn.
- Khả năng phân phối của MailChimp thường xuất hiện trong tab Quảng Cáo của Gmail.
- MailChimp có chính sách nghiêm cấm tiếp thị liên kết. Vì vậy, nếu bạn đang làm trong ngành này, đừng sử dụng Mailchimp.
Top Email – Phần mềm email marketing hàng đầu về dịch vụ hỗ trợ
Top Email là một trong những phần mềm gửi email marketing sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam. Thương hiệu này hoạt động từ năm 2014, được cung cấp bởi doanh nghiệp Việt. Trang chủ: phanmemmarketing.vn
Ứng dụng này chạy trên máy tính Windows. Đây là nền tảng tiếp thị email có khả năng tích hợp với nhiều máy chủ email trên thế giới. Chẳng hạn như Amazon SES, Sendgrid, Mailchimp, Elastic email, Sparkpost….v.v.
Ưu điểm
- Dịch vụ support có trách nhiệm và chuyên môn cao là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Top Email. Theo nhiều review khi sử dụng phần mềm Top, bạn sẽ được hướng dẫn những mẹo gửi email marketing hiệu quả hoặc chỉnh sửa lại nội dung khi email gửi bị vào spam, quảng cáo…v.v.
- Giao diện trực quan, các thao tác sử dụng dễ dàng, đơn giản.
- Phần mềm gửi email hàng loạt của Top có khả năng tích hợp với nhiều máy chủ email uy tín trên thế giới. Ví dụ như Amazon SES, Twilio Sendgrid, Mailchimp, Elastic email….v.v.
Hạn chế
Top Email phục vụ những nhu cầu marketing cơ bản, không yêu cầu chuyên môn cao. Do đó, không tiếp thị tự động hóa như các dịch vụ khác.
GetResponse – Nền tảng tiếp thị phù hợp nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp
GetResponse hỗ trợ giải pháp tự động hóa tiếp thị cho mọi doanh nghiệp từ nhỏ tới lớn. Công ty này có trụ sở tại Ba Lan. Email Marketing là một trong số những dịch vụ mà họ đang cung cấp. Trang chủ: getresponse.com
Theo đánh giá của Hà Nguyễn, GetResponse là giải pháp tiếp thị tất cả trong một. Với các công cụ và tính năng như phân khúc đối tượng, trả lời tự động, trình tạo trang đích, thương mại điện tử và thậm chí là phần mềm hội thảo trên web,…v.v. Những doanh nghiệp mới không có ngân sách để đầu tư vào nhiều công cụ có thể cân nhắc dịch vụ này.
Ưu điểm
- Giao diện thân thiện hơn Mailchimp, dễ dàng điều hướng.
- Hỗ trợ tiếp thị email tự động hóa.
- Có chức năng thử nghiệm A/B cho phép chạy chiến dịch với tối đa 5 điều kiện khác nhau.
- Hỗ trợ thiết kế Trang đích, tạo biểu mẫu đăng ký.
- Cũng tương tự Mailchimp, GetResponse có nhiều tích hợp. Từ website (wordpress), thương mại điện tử đến các tranh thanh toán (Amazon, Paypal), truyền thông xã hội…v.v
- Webinars – Hội thảo trên web là một tính năng cạnh tranh của GetResponse. Hiện chưa có đơn vị cung cấp dịch vụ email marketing nào tích hợp tùy chọn này.
Hạn chế
GetResponse theo Hà Nguyễn đánh giá là giải pháp tiếp thị tự động cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Các tính năng của họ toàn diện từ hỗ trợ tạo trang đích, chat trực tuyến đến phân tích, quản lý khách hàng…v.v. Đây không phải lựa chọn tốt nhất cho các nhà tiếp thị chỉ muốn triển khai phần mềm email marketing.
Amazon SES – Dịch vụ SMTP gửi email giá rẻ nhất, tốc độ vượt trội
Amazon Simple Email Service (Amazon SES) là một trong số các dịch vụ dựa trên nền tảng điện toán đám mây của AWS (Amazon Web Services) được cung cấp bởi Amazon. Trang chủ: aws.amazon.com/vi/ses
Theo nhiều review, dịch vụ gửi email marketing này hiện đang có mức chi phí cạnh tranh tốt nhất hiện nay. Nó được sử dụng để liên lạc giao dịch như biên nhận đơn đặt hàng, tiếp thị email, gửi bản tin,…v.v.
Ưu điểm
- Giá cả phải chăng. Mức giá thấp của họ chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí của các đối thủ cạnh tranh. (Thậm chí chỉ bằng 1/10 so với Mailchimp).
- Tốc độ truyền tin vô cùng nhanh. Trung bình khoảng 10 phút sẽ gửi hết danh bạ chứa 1.000 địa chỉ liên hệ.
- Khả năng phân phối cao bởi danh tiếng IP của họ được thiết lập tốt và bảo mật cẩn thận.
- Có cơ chế sàng lọc nội dung giúp đánh giá email có khả năng bị gắn spam. Đồng thời gửi thông báo tới bạn biết để điều chỉnh lại thông điệp.
- Amazon SES có thể được tích hợp với nhiều nền tảng, ứng dụng web khác nhau. Ví dụ như Gmail, WordPress, Phần mềm Top Email…v.v.
Hạn chế
AWS SES chỉ cung cấp máy chủ SMTP để gửi email hàng loạt. Hiểu đơn giản, nó chỉ là người chuyển phát nhanh thư cho bạn. (Tìm hiểu thêm về Giao thức SMTP).
Do đó, theo đánh giá của Hà Nguyễn, Amazon SES không phải là nền tảng tiếp thị qua email hay một công cụ tự động hóa bán hàng. Bạn sẽ cần một ứng dụng khác tích hợp với nó nếu muốn tận dụng ưu điểm về tốc độ và giá rẻ này. Ví dụ như phần mềm Top Email, Ultramailer.
Twilio Sendgrid – Nền tảng gửi email hàng loạt tốt nhất cho quy mô lớn
SendGrid được thiết kế phục vụ cho các chiến dịch tiếp thị email hàng loạt số lượng lớn. Họ tập trung chủ yếu vào khả năng gửi email.
Theo công ty, Twilio SendGrid đã gửi đi 1 nghìn tỷ email vào năm 2020. Họ tuyên bố rằng đây là khối lượng lớn nhất trong số các nền tảng đám mây. Trang chủ: Sendgrid.com
Ưu điểm
- Dịch vụ email marketing Sendgrid có Trang tổng quan thiết kế khá đơn giản. Trình chỉnh sửa email dựa trên thao tác kéo, thả các khối.
- SendGrid cũng cung cấp nhiều tùy chọn để lập kế hoạch và thực hiện các chiến dịch tự động hóa tiếp thị. Ví dụ như phân khúc người dùng, thiết lập trình kích hoạt, thử nghiệm A / B…v.v.
- Cho phép tích hợp các biểu mẫu đăng ký đơn giản lên trang web.
- Công cụ nổi bật của Sendgrid là Reputation – Điểm danh tiếng. Nó cho phép bạn nắm ngay được điểm danh tiếng hiện tại của mình. Đây là điều hữu ích đối với bất kỳ ai, đặc biệt là các nhà tiếp thị mới vào nghề.
Hạn chế
Nhìn chung, nếu bạn tập trung vào khả năng phân phối cao và không ngại sử dụng một nền tảng yêu cầu kỹ năng viết mã, thì SendGrid là một lựa chọn tuyệt vời để xem xét.
Tuy nhiên, nếu bạn là người mới bắt đầu, cần một công cụ tiếp thị email đơn giản, bạn nên tìm một phần mềm khác tích hợp với Email Server này.
So sánh Mailchimp - Top Email - GetResponse - Sendgrid - Amazon SES
Dưới đây là bảng so sánh tổng quát về các tính năng chính và giá cả của 5 dịch vụ, phần mềm email marketing trên. Bài đánh giá chi tiết được dẫn từ nguồn Review 5 phần mềm email marketing tốt nhất.
Chi phí | Dùng thử | Tính năng độc đáo | Nền tảng sử dụng | |
---|---|---|---|---|
Mailchimp | 11$/tháng cho 500 địa chỉ liên hệ. | Gửi 10.000 email/tháng. | Hỗ trợ Workflow – Quy trình làm việc tùy chỉnh nhiều bước. | Trình duyệt web. |
Top Email | Từ 46 đồng/1 email. | Gửi thử 100 email. | Tích hợp nhiều Email Server (SMTP) uy tín trên thế giới. | Ứng dụng, phần mềm trên máy tính Window. |
GetResponse | 19$/tháng cho 1.000 liên hệ. | Dùng thử 100 email. | Tiếp thị tự động hóa và toàn diện. | Trình duyệt web. |
Twilio Sendgrid | 14.95$/tháng gửi 40.000 email. | Gửi thử 100 email. | Thang điểm đo lường danh tiếng người gửi. | Trình duyệt web. |
Amazon SES | 1$ cho phép gửi 10.000 email. | Không. | Tốc độ gửi rất nhanh. | Cần tích hợp với công cụ gửi email của bên thứ 3. |
Bạn đã sẵn sàng làm email marketing chưa?
Hà Nguyễn hi vọng Hướng dẫn cách làm email marketing chi tiết này thực sự đồng hành trong suốt chiến lược tiếp thị của bạn.
Bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp không? Bạn đang cần biết thêm những kiến thức email marketing nào ?
Hãy để lại bình luận dưới đây nhé. Hà Nguyễn sẽ chia sẻ với bạn trong các nội dung xuất bản sắp tới.
Author